Những chiêu "lừa đảo" bạn cần tránh khi thuê nhà

Phòng trọ giá rẻ là mối quan tâm của nhiều sinh viên, người lao động khi sống và học tập tại các thành phố lớn. Lợi dụng nhu cầu đó, nhiều mánh khóe đã được kẻ xấu vẽ ra để lừa lọc người thuê, phổ biến là 3 chiêu bài dưới đây.
4.jpg

1. Cho thuê phòng trọ “ảo”

Dấu hiệu nhận biết:

  • Thông tin cho thuê mơ hồ, sơ xài và không cụ thể, ví dụ: “Cho thuê nhà trọ giá rẻ, mới xây, liên hệ theo số điện thoại abcxyz” mà không có giá cả cụ thể hay địa chỉ rõ ràng. Khi liên lạc với số điện thoại này, nhiều khả năng khách thuê sẽ gặp phải “cò phòng” thay vì chủ nhà trọ.
  • "Trống phòng nào thì giao phòng đó", nghĩa là phòng khách đến xem có thể khác hoàn toàn với phòng lúc nhận bàn giao.
  • Cho thuê phòng trọ nhưng lại gắn mác chung cư mini, chất lượng không lý tưởng như quảng cáo, chỗ để xe chật chội, tiện ích chung quá tải, không giới hạn số người ở một phòng mà thu tiền theo đầu người…

Cách phòng tránh:

Cẩn thận với những thông tin chào mời thuê nhà trôi nổi trên internet hay mạng xã hội. Nên chọn lọc những tin đăng cho thuê nhà có đầy đủ thông tin, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ chính chủ.

Để tìm được chỗ thuê tốt, nên tham khảo ý kiến người dân xung quanh khu vực nhà trọ, nên đi xem phòng với người thân hoặc bạn bè để có đánh giá khách quan hơn hoặc đề phòng gặp kẻ xấu.

2. Lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc

Dấu hiệu nhận biết:

  • Chủ nhà cho thuê phòng giá rẻ, nhưng lại bắt đặt cọc một khoản lớn, từ 2 – 3 tháng tiền phòng mới cho người thuê dọn vào ở.
  • Một số đối tượng tận dụng những căn phòng trống, vắng chủ, đăng tin rao cho thuê giá rẻ rồi dẫn khách đi xem, nhưng lấy lý do khách đang thuê đi vắng không vào xem được. Sau đó, yêu cầu khách đặt cọc một khoản tiền nhỏ, thường dưới 500.000 đồng giữ chỗ. Khách hàng thấy tiền đặt cọc không cao, phòng trọ đẹp nên thường đồng ý, đến thời gian hẹn đàm phán thuê nhà khách liên hệ lại thì số điện thoại không liên hệ được.
  • Sau khi nhận tiền đặt cọc, chủ nhà tăng giá hoặc bổ sung thêm một loạt phí khi thuê nhà khiến khách hàng buộc phải “bỏ của chạy lấy người”, mất oan tiền cọc.
  • Điều khoản hợp đồng với nội dung mập mờ “bên cho thuê thỏa thuận giữ phòng cho bên thuê khi có phòng trống”. Khi đó, chủ nhà sẽ tự quyết việc giao phòng cho người thuê vào thời điểm nào, bất chấp khách thuê đã đặt cọc giữ chỗ. Nếu đến ngày hẹn bên thuê nói chưa có phòng trống, khách vẫn phải đợi, hoặc phải chịu mất luôn tiền cọc.

Cách phòng tránh:

Nếu tiền thuê phòng trọ lớn, người thuê cần tìm hiểu thông tin để chắc chắn gặp đúng chủ nhà. Chỉ đặt cọc giữ chỗ khi có thỏa thuận biên nhận rõ ràng, tuyệt đối không đặt cọc nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo.

Khi đặt cọc phải yêu cầu chủ trọ ghi rõ ràng và chi tiết những thỏa thuận về tiền phòng, chi phí hàng tháng để làm bằng chứng. Lưu ý giấy đặt cọc phải có chữ ký của cả hai bên.

 3. “Bẫy ở ghép

Dấu hiệu nhận biết:

  • Lợi dụng tâm lý muốn thuê phòng trọ tốt mà không quá tốn kém, kẻ xấu giả làm người cần ở ghép rồi ngang nhiên cuỗm tài sản khi bạn cùng phòng sơ hở. Những đối tượng này thường lập nick ảo rồi lên mạng xã hội, vào những trang tìm người ở ghép nhắn tin, liên lạc với ai đang có nhu cầu.
  • Khi được đồng ý ở ghép, kẻ xấu sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc để bạn khai thác thông tin về mình. Khi đến ở, họ thường viện ra hàng loạt lý do để trì hoãn, không cung cấp giấy tờ tùy thân hay làm thủ tục đăng ký tạm trú, đồng thời hạn chế việc tiếp xúc với người cùng thuê trọ, không mang theo tài sản có giá trị tới nhà thuê...

Cách phòng tránh:

Tìm hiểu kỹ về người ở ghép trước khi đồng ý cho họ dọn vào thuê nhà chung. Những thông tin cơ bản bạn nhất định phải hỏi và xác minh như tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, các thói quen sinh hoạt khác...

Ngoài ra, khi ai đó chuyển đến, bạn hãy yêu cầu người đó ra ngay công an phường đăng ký tạm trú, tạm vắng. Nếu là kẻ xấu chắc chắn sẽ bỏ cuộc vì không dám ra trình diện trước công an, ngược lại, người thực sự có nhu cầu ở ghép sẽ không ngần ngại thực hiện thủ tục này để đảm bảo quyền lợi cho họ khi thuê nhà.

4. Lưu ý khi thuê phòng trọ

Nhiều trường hợp chủ nhà ban đầu quá nhiệt tình và đưa ra mức chi phí thuê trọ ưu đãi hơn hẳn so với những phòng trọ cùng khu vực. Tuy nhiên, khi khách dọn vào ở một thời gian ngắn, chủ nhà kiếm cớ tăng giá cho thuê cao hơn thỏa thuận ban đầu. Nếu không chấp nhận, khách buộc phải chuyển đi và mất cọc.

Khách hàng cũng phải cẩn thận khi hợp đồng không nêu rõ các khoản phí hàng tháng, thậm chí không có hợp đồng thuê nhà. Trường hợp không có hợp đồng thuê nhà, chủ nhà thường bao biện rằng “tốt cho người thuê”, không có hợp đồng muốn chuyển đi bất cứ lúc nào cũng được. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc, nếu chủ nhà tăng giá vô lý thì khách hàng cũng không có căn cứ để phản đối.

Cách phòng tránh:

  • Cần trao đổi kỹ thông tin với chủ nhà về giá thuê phòng và các chi phí cơ bản, xác nhận xem ngoài những khoản phí này thì còn phát sinh thêm bất kỳ khoản phí nào khác không?
  • Lưu ý trong hợp đồng thuê nhà phải ghi chi tiết giá thuê, áp dụng giá đó trong thời gian bao lâu, đến khi nào sẽ tăng giá (nếu có), tỉ lệ tăng mỗi năm không quá bao nhiêu phần trăm. Bên cạnh đó, hợp đồng phải quy định rõ việc thay đổi công năng, vật dụng, sơn sửa nhà... sẽ do ai trả tiền, tránh sau này không ở nữa sẽ bị chủ nhà lấy cớ trừ tiền cọc.