Bí kíp tìm phòng trọ cho tân sinh viên

Đừng quên "bỏ túi" những kinh nghiệm trong bài viết dưới đây để có thể thuê được một phòng trọ sạch đẹp, đảm bảo an ninh với giá cả hợp lý nhất.
8e85c64fe0641a3a4375.jpg

1. Vị trí

Khi lựa chọn phòng trọ, các bạn tân sinh viên nên ưu tiên những căn phòng có khoảng cách gần trường. Lý tưởng nhất là cách trường từ 100-500m, và tối đa là 3km. Tại sao lại cần lưu ý điều này? Bởi lẽ với tân sinh viên, khi còn "lạ nước lạ cái" thì việc đi lại là một vấn đề rất cần quan tâm. Không phải bạn sinh viên nào cũng tự tin di chuyển trên những con phố đông đúc của Hà Nội, nên nếu khoảng cách từ trường đến nhà quá xa, việc đi lại sẽ rất vất vả. Bên cạnh đó, nhà gần trường còn tiết kiệm được thời gian hàng ngày của sinh viên. Hầu hết giờ giấc các lớp đại học khá lộn xộn chứ không cố định như khi học phổ thông, nên nếu nhà quá xa, sinh viên sẽ không có chỗ nghỉ ngơi giữa các lớp học, trong khi về nhà thì lại không kịp giờ.

Một điều cần lưu ý nữa với tân sinh viên là nếu không thể tìm được phòng trọ phù hợp ở gần trường mà phải ở cách trường 2-3km, bạn nên lựa chọn những khu vực thuận tiện đi lại như cách mặt đường lớn gần, không ở trong ngõ quá sâu, gần điểm xe bus... để thuận tiện hơn khi đi lại để học tập, làm thêm hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa.

2. Tầng ở

Khi đã lựa chọn được căn nhà với vị trí phù hợp, sinh viên cũng nên lưu ý đến tầng ở (nếu bạn thuê khu nhà cao tầng). Các bạn tân sinh viên chưa sống ở Hà Nội sẽ khó có thể tưởng tượng được sự khác biệt giữa tầng thấp và tầng cao khi đi thuê nhà. Khi lựa chọn phòng trọ, tầng 3 hoặc tầng 4 sẽ là hoàn hảo nhất cho bạn. Phòng ở tầng 1 hoặc 2 sẽ khá ồn ào do gần đường, gần nhà để xe. Ngoài ra, tầng thấp thường sẽ thiếu ánh sáng, bí và ẩm ướt vào mùa đông. Nếu ở khu vực có hệ thống thoát nước không tôt, các căn phòng ở tầng 1 còn có thể bị tràn nước vào phòng khi mưa to, đây là điều thường xuyên xảy ra ở Hà Nội. Trong khi đó, nếu ở các tầng quá cao, đặc biệt là ở các khu nhà không có thang máy thì việc đi lại hàng ngày hay vận chuyển đồ đạc cần thiết sẽ rất vất vả. Tầng cao cũng nóng hơn vào mùa hè và lạnh hơn vào mùa đông nên các bạn tân sinh viên cần cân nhắc thật kỹ trước khi thuê phòng.

3. Chất lượng phòng

Đây cũng là yếu tố mà các bạn sinh viên cần đặc biệt lưu tâm khi thuê nhà. Đừng vội vàng quyết định thuê phòng khi chưa xem xét kỹ các yếu tố liên quan đến chất lượng phòng. Căn phòng bạn định thuê cũ hay mới, các đồ đạc trong phòng như giường, tủ, quạt trần, kệ bếp... có sẵn hay bạn phải tự chuẩn bị. Sơn tường còn nguyên hay đã bong tróc, rêu mốc cũng phản ánh chất lượng căn phòng. Bạn không nhất thiết phải thuê một căn phòng mới xây hoàn toàn vì chi phí sẽ cao hơn, nhưng chất lượng phòng phản ánh việc chủ nhà có quan tâm tu sửa căn nhà hay không. Bên cạnh đó, những căn nhà quá cũ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như không đảm bảo vệ sinh do ẩm thấp, không đảm bảo an toàn do hệ thống dẫn điện hay cầu thang quá cũ... Tất cả những yếu tố này đều rất khó xử lý, đặc biệt là đối với các bạn tân sinh viên.

4. Phòng khép kín có cửa sổ

Việc sử dụng một không gian sinh hoạt chung như bếp, nhà vệ sinh hay phòng khách có thể dẫn đến nhiều bất tiện với sinh viên, đặc biệt là các bạn nữ. Khi tìm phòng trọ, các bạn sinh viên nên ưu tiên lựa chọn các căn phòng khép kín, có khu vệ sinh và bếp nấu riêng biệt từng phòng, điều này sẽ đảm bảo việc sinh hoạt tại phòng trọ của bạn tự do và thoải mái hơn. Ngoài ra, việc sử dụng không gian chung còn dễ dẫn đến những điểm mâu thuẫn với bạn trọ, vậy nên phòng khép kín có thể hạn chế điều này. Bạn cũng nên chọn một căn phòng có cửa sổ để phòng có ánh sáng tự nhiên, tạo cảm giác thoáng, rộng và cũng tốt hơn cho sức khỏe.

5. An ninh đảm bảo

Nhiều khu trọ cho sinh viên thường xảy ra tình trạng mất cắp. Vì vậy khi tìm phòng, các bạn sinh viên cần lưu ý đến vấn đề an ninh của phòng trọ. Nên ưu tiên các khu trọ có bảo vệ, khóa nhiều lớp, đồng thời cũng nên hỏi thăm từ những người xung quanh xem nhà trọ nói riêng và khu vực này nói chung có thường xuyên xảy ra trộm cắp hay không. Các khu trọ có nhiều người đi làm là nhân viên văn phòng hoặc sinh viên thông thường cũng an toàn hơn so với khu trọ nhiều người lao động phổ thông nên các bạn sinh viên có thể cân nhắc khi lựa chọn.

6. Giá điện nước hợp lý

Chi phí cho một phòng trọ sinh viên thường bao gồm tiền phòng + tiền điện nước + tiền dịch vụ (nếu có). Nhiều chủ nhà có chiêu tăng giá tiền phòng bằng cách để giá phòng ở mức trung bình, nhưng thu tiền điện nước rất cao khiến tổng chi phí cho một phòng ở sinh viên tăng lên rất nhiều so với dự tính. Vậy nên khi thuê nhà, các bạn sinh viên nên hỏi kỹ và thỏa thuận giá điện nước, cũng như ký kết bằng văn bản rõ ràng để chủ nhà không thể "lật lọng" khi thu thêm tiền. Nếu phòng trọ của bạn để bạn tự chi trả tiền điện nước theo giá nhà nước là tốt nhất, còn nếu tính giá riêng thì bạn cũng nên tham khảo một vài địa chỉ khách xem giá thành như vậy có hợp lý không trước khi quyết định thuê nhà nhé!

7. Chủ nhà thân thiện, dễ tính

Thái độ của chủ nhà cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bạn. Nếu chủ nhà quá khó tính, hay xét nét và thiếu thân thiện thì bạn sẽ rất khó sống thoải mái dù bạn vẫn phải bỏ tiền ra thuê nhà. Đó là lý do vì sao khi tìm phòng trọ, các bạn tân sinh viên nên chú ý đến thái độ của chủ nhà, đồng thời hỏi thăm những người trọ cũ xem tính cách và thái độ của chủ nhà với khách thuê trọ ra sao. Chủ nhà càng dễ tính, thân thiện, bạn sống càng thoải mái, nên các bạn tân sinh viên cần cân nhắc trước khi bắt đầu thuê phòng.